Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Thú vị tận mắt xem bà con người Thái ở Tú Lệ làm cốm

Thanh Nguyên

Nhân chuyến khám phá Mù Căng Chải tháng 9/2017 mới đây, Bà Bán Phở Thanh Nguyên có cơ hội vào tận nơi, ngay tại nhà của đồng bào người Thái  ở xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn, Yên Bái) xem bà con làm cốm. Một cảnh tượng thật là thú vị và vô cùng đặc biệt, khó quên. 

Rang cốm ở Tú Lệ 



Cốm Tú Lệ là món quà quê đã rất nổi tiếng và độc đáo không đâu sánh được của miền Tây Bắc nước ta. Với nét riêng là màu xanh tươi rực rỡ của hạt lúa xanh vẫn còn nguyên vẹn, cùng mùi thơm thật quyến rũ của lúa sữa. Vị ngọt nhẹ nhàng và tự nhiên. Ấn tượng nhất là vị beo béo của cốm xanh. 

Giữa tháng 9 là cao điểm của mùa Cốm. Đến Tú Lệ dịp này, chắc chắn bạn sẽ phải dừng chân để xem đồng bào người dân tộc làm cốm và thưởng thức cốm. Dọc hai bên đường, nhà nhà làm cốm. Trẻ con cũng tham gia giã cốm. Không khí vui như hội vậy.

Cốm Tú Lệ được làm chủ yếu bởi bà con dân tộc Thái, trải qua những công đoạn công phu, cẩn thận. Sau khi được thưởng thức những hạt cốm ngon ngọt tươi xanh thơm lừng, cộng thêm vị beo béo nữa, Bà Bán Phở nghĩ ngay đây chính là những hạt cốm ... ngon nhất quả đất nè!!!! 

Ở Tú Lệ, cốm được làm ra và bán mỗi ngày. Vậy nên từ lúc tiếng gà gáy còn sớm tinh mơ, bà con đã thức dậy ra đồng gặt lúa. Họ chọn những cây lúa vừa khum ngọn, còn nguyên sữa. Nếu trên nhánh lúa có những hạt lúa chín, thì dùng tay đập nhẹ bó lúa xuống nền nhà, để sao cho chỉ còn duy nhất những hạt lúa xanh cốm, còn nguyên sữa. Rồi dùng tay tuốt nhẹ, hoặc dùng máy tuốt thô sơ. Người Thái ở Tú Lệ không bao giờ đập lúa như lúa chín vàng làm gạo nếp. Sau khi tách riêng những hạt lúa xanh, mới nhẹ nhàng đãi qua nước, loại bỏ hạt lép và rơm rạ còn sót. 

Sau đó lúa non làm cốm được đem đi rang. Hạt cốm có thơm ngon, đều, dẻo hơn thua nhau vào kỹ thuật rang. Ở đây người dân rang lúa bằng chảo gang, đốt củi. Cho lửa vừa phải và rang liên tục khoảng gần 30 phút thì cốm chín. Nhìn các chị đảo lúa rang một cách điêu luyện uyển chuyển, tôi thấy cứ như họ đang trong một điệu múa vậy.

Cốm rang xong rồi thì đổ ra chờ nguội, rồi cho từng mẻ nhỏ vào cối giã để tách vỏ trấu. Chiếc chày giã to, dài và khá nặng. Các anh các chị đạp chày đến vã mồ hôi. Đám con nít xúm xít phụ đạp chày, ánh mắt vui như hội. 

Nhờ quan sát trực tiếp mà tôi ngộ ra tại sao hạt cốm luôn luôn dẹt. Giã mạnh thế, hạt lúa lại còn non sữa. Không dẹt mới lạ nè!

Thường thì tùy theo độ non của lúa mà người dân giã nhiều hay ít. Giã đến lúc thấy có vỏ trấu tách ra thì hốt ra để sang xảy. Xong lại cho vào giã tiếp. Khoảng 3 lần như vậy mới sạch vỏ trấu cho thành phẩm. Khoảng 30 phút là được.

Cốm sau khi giã xong sẽ được gói bằng lá dong để giữ được hương vị hấp dẫn. Người dân nơi đây có thể chế biến cốm thành các món ăn khác nhau mà có thể giữ chân khách phương xa, lưu luyến không muốn về. Mà nếu về cũng không quên được hương vị của cốm Tú Lệ, như Bà Bán Phở nè!

Giá cốm Tú Lệ khá rẻ, khoảng 100 ngàn đồng/kg (giá tháng 9/2017). Bà con người dân tộc rất cởi mở, vui vẻ và không nói thách. Mà mỗi người ăn cùng lắm thì 1/2 kg là no rùi. Hi. Vì là cốm tươi nên thường thì ăn luôn sau khi ... mới ra lò là ngon nhất! Hoặc theo hạn sử dụng là ... 3 ngày. Du khách đến đây thường mua cốm Tú Lệ về làm quà. Nếu ở Sài Gòn muốn ăn cốm Tú Lệ, thì có thể tìm trên facebook...

Từ cốm có thể chế biến rất nhiều món ngon, như: cháo cốm gà đen, nấu chè, xôi hay ăn cùng với chuối, hồng chín,…

Hẹn lòng năm sau sẽ quay trở lại Mù Cang Chải, để một lần nữa được thưởng thức các món đặc sản nơi đây, tất nhiều là phải có cốm Tú Lệ.

Tây Bắc, Tháng 9 - 2017

.......

Một số hình ảnh ở làng cốm Tú Lệ tháng 9/2017



Một góc làng cốm Tú Lệ


Giã cốm


Làm cốm ngay giữa đồng


Tuốt lúa nhẹ nhàng


Rang cốm bằng chảo gang, lửa củi


Rang cốm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét