Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Suy nghĩ về nước Mỹ: Những ấn tượng đầu tiên khó quên khi lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ

Thanh Nguyên

Bà bán phở Thanh Nguyên đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ lần đầu năm 2008 và phải đến 5 năm sau mới có dịp tái ngộ, và ngay lúc này đây (tháng 12/2017) Thanh Nguyên lại một lần nữa đang ở trên đất nước xứ sở cờ hoa chuẩn bị đón Noel. Nhưng những suy nghĩ và cảm nhận về lần đầu tiên "ngây ngô" đến Mỹ, và sự "hai lúa" của mình thì có lẽ sẽ mãi không bao giờ quên. Thanh Nguyên muốn chia sẻ cùng mọi người và lưu lại như một kỷ niệm yêu thương cho chính mình.


Nước Mỹ cuối mùa thu, lá vàng rơi phủ tràn những con phố . Lãng mạn ghê phải không mọi người?Hi









Vài lời, 

Ngày trước, tôi chưa bao giờ nghĩ mình dám xuất ngoại. Chỉ đơn giản vì tôi có hai nỗi sợ rất lớn: Lạnh và Ngoại ngữ.

Thứ nhất là sợ lạnh. Bởi vì tôi lúc nhỏ đến lớn lúc nào cũng sợ lạnh. Đến nỗi tối ra đường cũng phải đội nón cho ấm đầu không thì bịnh. Lúc vô Sài GÒn học, buổi tối dạy kèm về là luôn choàng khăn len quanh cổ dù đạp xe. Trời mát mẻ như mùa thu tôi đã mặc áo ấm ... đến giảng đường! hahahh

Thứ hai là sợ ngoại ngữ. Tôi vốn là học sinh khá giỏi mà không hiểu sao lại có năng khiếu dốt tiếng anh dễ sợ. Ngày xưa thầy giáo vớt điểm bằng cách chỉ cần ghi Anh –Việt 10 từ bất kỳ thì được 1 điểm. Cả lớp điểm cao chót vót mà tôi vẫn may mắn mới được 6 điểm! Sẵn đây nói luôn, đến giờ vẫn chưa khắc phục được. Tháng trước về quê còn được cô bạn hỏi giữa đám đông: ê Nguyên, sao mày dốt tiếng Anh mà đi nước ngoài dữ vậy?! Cả đám được một trận cười no nê!

Năm 2008 là năm tôi mới làm gấp passport để đi Campuchi với đám bạn. Được trớn thì 3 tháng sau dẫn hai đứa cháu đi Singapore vào dịp hè coi như khen thưởng. Hai tháng sau nộp visa Mỹ rớt cái ạch với câu trả lời rất rõ ràng của Viên chức Mỹ: chị còn trẻ và chưa có gia đình. Chúng tôi không cấp visa cho chị. (À, câu này do nhân viên người Việt dịch lại. Lúc đó chưa nhiều Viên Chức người nước ngoài nói được tiếng Việt thành thạo như bây giờ). Bữa rớt visa là chiều thứ 6. Tôi báo bên dịch vụ tour thì 6g sáng thứ hai tôi lại xếp hàng phỏng vấn lần 2. Lỳ thiệt. Nhưng mà hên, đậu visa Mỹ!

Dài dòng tâm sự như trên là cũng chỉ để minh chứng cho độ Hai Lúa của tôi. Thời đó thì rất nhiều người và bạn bè tôi đã có ý thức và ước muốn xuất ngoại. Riêng tôi vẫn an phận ếch ngồi đáy giếng mà còn không thèm ngước lên nhìn bầu trời luôn! Huhuu…

Sau đây là những ấn tượng đầu tiên khi Hai Lúa lần đầu đến Mỹ:

Nhân viên sân bay người Mỹ nói ... tiếng Việt

Nhờ đi theo tour Hội Chợ nên chúng tôi được hướng dẫn khá kỹ. Mỗi người đều phải mang theo hồ sơ hình ảnh để trả lời về công việc hiện tại của mình ở Việt Nam và đến Mỹ để làm gì. Sau bước phỏng vấn ngắn gọn mà cực quan trọng để họ cho phép mình được vào Mỹ hay không và ở bao lâu. Đến phần kiểm tra hành lý thì chúng tôi ngạc nhiên vì cô người Mỹ hỏi chúng tôi có mang theo thực phẩm không. Dù có một người đi chung nhóm đã đi Mỹ nhiều lần trả lời bằng tiếng Anh rõ ràng nhưng cô ấy vẫn hỏi lại lần nữa rồi dùng từ CHÀ BÔNG, CHẢ LỤA, TRÁI CÂY bằng tiếng Việt. Àh, thì ra họ sợ chúng ta mang những thứ đó vào Mỹ.

Đường xá sạch sẽ, bảng hiệu giao thông dễ hiểu

Ra khỏi sân bay Los chúng tôi được xe bus đón đi Las Vegas vì hội chợ được tổ chức nơi đây. Tất cả chúng tôi đều hơi bị sốc với freeway và các bảng hướng dẫn giao thông to đùng hướng dẫn rõ ràng cụ thể và lặp đi lặp lại. Nói chung là “có đui cũng thấy mờ mờ”. Có người còn nói “chỉ riêng freeway và bảng giao thông của Mỹ chắc giá trị kinh tế còn lớn hơn cả nước Việt Nam mình”! Các anh trai trong đoàn thì cứ trầm trồ siêu xe các loại. Và còn thắc mắc sao mà xe họ chạy ngoài đường mà bánh xe sạch bong như xe mới vậy ta!

8G tối mà sao vẫn sáng trưng

Đến Las Vegas vào tháng 8 nên đến 8g tối chúng tôi vẫn còn lang thang đi chơi và …chờ mặt trời lặn. Thích lắm. Cứ nghĩ trời sáng thế này thì tiết kiệm biết bao nhiêu là điện! Tha hồ làm việc vui chơi nữa. Việt Nam mình đã nghèo rồi mà ông trời còn mau tối nữa. Bất công ghia!hihii

Trời nóng kinh khủng mà môi ai cũng nứt

Trời nắng nóng gần 40 độ mà trên xe chúng tôi đã hạn chế kể chuyện cười. Bởi vì các anh trai đã bị nứt môi. Mà nhất định mắc cỡ không dùng cây son vaselin màu hồng của các cô gái. Nhưng cuối ngày vẫn không tìm mua được thì đành nhận quyền trợ giúp để có đôi môi hồng xinh thay vì rướm máu!

Nhà vệ sinh luôn khô ráo sạch sẽ 

Như một thói quen, chúng tôi đã để nước tràn ngoài bồn tắm. Nhưng đâu biết rằng ở Mỹ nhà vệ sinh không có lối thoát nước ngoài sàn. Mọi thứ luôn được giữ khô ráo sạch sẽ. Ngay cả khi vừa dùng lavobo xong cũng cần phải lau khô ngay những giọt nước văng ra.



Một bến tàu ở Mỹ

Không có giờ và người chủ cày bừa

Đến quán Như Lan ăn phở thì trong đoàn có một anh hơi tám chuyện với một Cô trung niên trong quán. Chúng tôi hỏi cô ấy là chủ quán hả. Thì nhận được câu trả lời của một người khác: ở Mỹ này thấy ai tất bật làm bù đầu tóc rối là Ông Chủ Bà Chủ, còn ai rãnh rỗi là nhân viên mà ở đây thường gọi là NGƯỜI LÀM! Và chúng tôi học được một từ mới từ những Việt kiều: không có giờ- ý là bận rộn.

Nhà ở riêng, Trung tâm thương mại riêng

Khi tôi khen nhà đẹp thì cô bạn cứ nghĩ tôi khách sáo. Vì ai VV qua cũng chê nhà Cali xấu. À, thì ra họ nhìn bên ngoài rồi chê. Còn tôi được bước vào nhà thấy tiện nghi, thiết kế, nội thất mới khen. Mọi căn nhà ở Mỹ đều cùng một chuẩn. Như có ĐỊNH NGHĨA NHÀ là gì cụ thể. Máy giặt, máy rửa chén, bếp,…gần như cùng một kích cỡ. Chỉ là những tủ rời lắp ráp ghép với nhau. Cái nào hư lấy ra vứt thay cái mới vô dễ dàng và đẹp hơn cũ vì nó cùng kích thướt cái cũ chỉ có mới hơn thôi! Nhà gì mà trên 50 năm vẫn y mới. Hay thật!

Ngạc nhiên là các siêu thị, quán ăn, ..đều không nằm ngoài mặt tiền đường như vn mình. Mà tất cả được tập trung vô một trung tâm thương mại. Các bảng hiệu để hết sức khiêm tốn và gần như cùng kích cỡ. Nơi kinh doanh thì không được ở lại. Nơi ở thì không được buôn bán. Trừ một vài city có cho phép kinh doanh cụ thể một vài ngành nào đó trong những khu vực cụ thể. Quan trọng nhất của một quán ăn có lẽ không phải “vị trí vị trí và vị trí” mà là “parking parking parking”. Trung tâm thương mại mà không đủ chỗ đậu xe thì nắm phần thất bại khá lớn.

Vào siêu thị vẫn cứ mang giỏ xách to đùng

Hội chợ kéo dài đến 3 ngày nên tôi chỉ đi hôm khai trương cho biết thôi. Lúc đó đoàn chúng tôi có hai công ty có gian hàng. Đó là công ty may An Phước và công ty hóa mỹ phẩm Việt Hương. Hôm sau tôi đón taxi đến Như Lan để ké Cô đi chợ. Tôi thiệt thà hỏi Cổ sao không gửi giỏ trước khi vô siêu thị. Thế là cũng đâu không dưới 5 lần ,Cổ gặp người quen trong chợ là cứ hớn hở khoe đứa cháu ở Việt Nam mới qua và hỏi sao không gửi giỏ khi vô chợ!Quê dễ sợ.hihii… Àh, ở Mỹ cái chợ là cái siêu thị. Còn cái super market thì lại là cái chợ nhỏ hơn nhiều. Chả hiểu luôn!

Mua thêm tour qua Mễ và ngồi trên xe chống Cộng

Khi từ Las về lại Anaheim, chúng tôi có một ngày tự do. Lúc đó có một Chú Việt kiều đến khách sạn liên hệ hướng dẫn viên chào mời tour qua Mexico chơi. Hẹn 8g sáng hôm sau xe đến đón. Nhưng chờ mãi đến 9g thì mới có xe đến. Không biết vì lý do thật giả gì đó, mà tài xế đón chúng tôi là anh phóng viên với đầy đủ đồ nghề và cả máy ghi hình to đùng. Chưa hết, ra đến xe thì thấy ngay hai dòng chữ to hết cỡ “Đừng tin những gì cộng sản nói. Hãy nhìn những gì cộng sản làm” Cả hai bên xe luôn mới chịu. Mọi người phản đối không lên xe. Rồi sau đó thì hướng dẫn viên, Chú bán tour Mễ giải thích này nọ và hứa hẹn sẽ đổi xe ở địa điểm nào đó thì mọi người mới lên xe. Mọi người thì lo sợ. Vì toàn là các Sếp của các công ty và cơ quan Nhà Nước. Họ lo sợ bị chụp hình với dòng chữ đó thì toi! Tôi thì vô tư. Gái quê làm ăn nhỏ lẻ mà. Chỉ cảm thấy bực mình vì quá ồn ào của Bác Tài phóng viên với Chú bán tour Mễ với nội dung toàn nói về những oan ức ở Việt Nam. Không ai lên tiếng trả lời thì hai người ấy gọi tên từng người gặng hỏi. Mà những câu chuyện đó nếu so với hiện nay thì chả thấm vào đâu!

Đi vài tiếng rồi cũng đổi xe khác như đã hứa. Đến Mexico thì thả chúng tôi ở biên giới rồi quay xe về. Cả Chú bán tour mễ cũng về! Chúng tôi qua biên giới đón xe bus đi đâu chả biết và giờ cũng chả nhớ. Chỉ nhớ là trên xe bus có tiếng Việt “búa thoát hiểm”. Và điểm dừng chân là khu vực chỉ toàn mua sắm. Nhiều người mua hàng da vì nghĩ là da thật như giày, dây nịt,… Ấn tượng chung của chúng tôi là Mexico nghèo giống mình và ngay biên giới nên hơi phức tạp.

Đoạn trở về mới nhiêu khê. Chờ hoài và liên lạc thế nào đó vẫn không có xe đón cuối cùng hướng dẫn viên quyết định đón tàu hỏa cho chúng tôi về San Diego. Chờ thêm 1 tiếng rưỡi mới có xe đón. Nhưng cũng may là tàu dừng cũng là nơi rất đẹp. Chúng tôi trầm trồ thích thú với những dãy du thuyền thẳng tắp ngay ngắn. Tiết trời lại mát mẻ dễ chịu. Những bãi cỏ xanh rì không có bảng cấm như ở VN giúp chúng tôi thư giãn đợi xe về. Trễ hẹn cũng hơn một tiếng thì chiếc xe lúc sáng với hai dòng chữ cũng đến. Nhưng lần này họ đã dùng băng keo hay giấy gì đó dán che kín lại không đọc được. Đến nước này thì mọi người đâu còn lựa chọn. Tiền thì đã đưa đủ hôm qua rồi. Giờ cũng không thấy Chú bán tour Mễ và anh phóng viên kia. Cầu mong về đến khách sạn an toàn là được rồi!

Không cho dơ chứ không phải vệ sinh cho sạch

Tôi có hẹn cô bạn học 15 năm không gặp ở khách sạn. Gặp nhau chúng tôi ai cũng chê “sao mày già vậy?!” Sau đó cả nhà nhiệt tình mời tôi về nhà chơi. Dù biết rằng sau khi tour về thì tôi vẫn ở lại thêm 3 tuần mới về. Biết có show này, một anh trong Tour liền xip phép được đi cùng chúng tôi. Anh ấy muốn đến trực tiếp để hiểu thêm về cuộc sống của người dân Mỹ gốc Việt.

Hôm sau. Trong chuyến đi của tour, anh ấy nói với tôi rằng anh thấy ở Mỹ họ không cho dơ chứ không phải họ vệ sinh cho sạch sẽ. Bởi nhà cửa luôn luôn có cửa lưới và cửa kín. Và chúng tôi còn nhớ hành động theo thói quen của anh Chủ Nhà là lấy ly nước đá lạnh của chúng tôi vừa bỏ xuống bàn lên và lót giấy cho khỏi ướt bàn.

Xe để ngoài đường và phụ nữ rất đẹp cũng phải tự đổ xăng

Có lẽ cô bạn tôi khá buồn cười khi tôi ngạc nhiên xe hơi kính thưa các loại để ngoài đường ngay trước nhà thay vì chạy vô gara. Trừ khi khu phố mình ở không cho để dưới đường thì buộc phải để trên sân nhà mình thôi. Ở Mỹ chiếc xe chỉ là phương tiện chứ không là tài sản như ở VN.

Điều tôi ngạc nhiên và cả ngưỡng mộ đó là tay lái lụa của các cô bạn và tự đổ xăng vào xe rất thành thạo. Có thể kết luận là ở Mỹ dù bạn là cô gái đẹp cách mấy cũng phải tự đổ xăng. Trừ khi chồng bạn đi đổ xăng dùm thôi! Hihii

Nhưng vừa rồi tôi có đi Portland – Oregon thì thấy cây xăng có nhân viên đổ xăng dùm. Bạn chỉ việc ngồi trên xe và đưa thẻ thanh toán thôi!

Bằng lái Việt Nam được chấp nhận  3 tháng và ở Cali cho thi bằng lái tiếng Việt

Năm 2008 tôi qua thì lúc đó bằng lái nước ngoài được chấp nhận giá trị 3 tháng. Điều tôi ngạc nhiên nhất là DMV ở Cali cho phép thi bằng lái bằng tiếng Việt. Có cả những cuốn sách về luật giao thông bằng tiếng Việt. Nhưng khá nhiều từ hơi cổ của thời kỳ trước 75 nên không quen mà vẫn hiểu. Đúng là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ!

Những vật dụng phục vụ chó cưng

Bãi biển khu vực Mỹ Trắng với những chiếc máy bay nhả khói với những hình ảnh hoặc dòng chứ tỏ tình lãng mạng: Mary, I love you hay kéo theo bang rol kèm dòng chứ tình cảm y như trong phim. Mà thật ra thấy ngoài đời nhiều máy bay hơn thì thích hơn cả trong phim luôn. Những thứ ấy làm tôi khoái chí chứ không bất ngờ bằng những trụ cột khắp nơi trên bãi biển với đầy đủ vật dụng phục vụ …vệ sinh những chú chó cưng. Hoàn toàn miễn phí nữa chớ!

Nhiều Việt kiều vẫn nghĩ VN giờ vẫn như lúc họ ra đi

10 năm trước, khi anh face chưa ra đời thì thông tin còn hạn chế. Tôi gặp khá nhiều Việt kiều nói về VN như thể thời họ ra đi. Chưa có siêu thị nào ở Thành phố lớn. Chưa có tập đoàn công ty nước ngoài nào vào làm ăn ở VN…. Nhưng cũng có người cãi với tôi rằng có thể trước khi họ ra đi thì cuộc sống của họ là như thế. Họ có thể sống ở miền quê nghèo hoặc chính họ nghèo nên không có cơ hội tiếp cận những đổi thay của xã hội. Cũng có lý. Nhưng lý lẽ này thể hiện rõ VN ta có sự phân hóa xã hội khá lớn. Dù đã nhiều đổi thay, dù đã có nhiều người giàu. Nhưng người nghèo và trình độ xã hội ở mức thấp vẫn là con số lấn át.

Đồng tiền rất giá trị

Bài học lớn nhất sau chuyến đi Mỹ một tháng của tôi đó là: TIẾT KIỆM. Tôi giật mình với giá trị đồng tiền ở Mỹ. Năm 2008, tôi có hỏi bạn tôi rằng ở Mỹ mỗi tháng cần bao nhiêu là đủ sống. Tôi còn nhớ thế này: tiền nhà 300, tiền xăng 300, tiền ăn 100, tiền xài linh tinh 100, còn 200 dự phòng. Vậy thì chỉ cần một ngàn usd là đủ sống vui vẻ ở Mỹ. Lưu ý là khi thuê phòng ở thì giá thuê đã bao gồm tiền điện nước. Ôi! Thiệt là buồn cho bản thân mình. Vậy mà ở VN lúc đó mỗi tháng tôi chi tiêu gần gấp đôi khoảng đủ sống bên Mỹ. Đến nỗi cô bạn thốt lên với tôi: mày đúng là xài tiền kiểu độc thân!

Đồng tiền có giá trị quá. Cám ơn nước Mỹ đã giúp tôi nhận ra giá trị của đồng tiền. Tôi bắt đầu thay đổi và ý thức tiết kiệm hơn từ sau khi đi Mỹ về. Nói ra thì ai cũng không tin. Nhưng đó là sự thật.

Đó là những câu chuyện và suy nghĩ của Hai Lúa đi Mỹ. Khi rời nước Mỹ tôi hẹn một tháng sau quay lại. Nhưng đến 5 năm sau thì tôi tái ngộ nước Mỹ. Và bắt đầu phát hiện mình còn lúa hơn mình đang nghĩ về mình!

......



1 nhận xét:

  1. Ở các xứ độc tài, cộng sản, kẻ có tiền thường tự cho mình cao quí hơn những người nghèo.

    Ở các xứ tự do dân chủ, thì sự cao quí nằm trong tư tưởng và cách cư xử của người đó với mọi người chung quanh.
    Respect cannot be bought. It must be earned.

    Trả lờiXóa