Trang

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Đi xe đò "Hoàng" ở Mỹ

Thanh Nguyên

"Hoàng" ở đây là tên hãng xe đò chở khách của ông chủ người Việt ở Cali (Mỹ). Ở Cali người gốc Việt rất nhiều, tạo ra nhu cầu thăm viếng nhau rất lớn. Từ năm 1998, anh Hoàng Linh vốn là một tài xế xe tải đã quyết định kinh doanh dịch vụ xe đò đưa đón khách người Việt. Khởi đầu là chiếc xe van 7 chỗ với hai chuyến/tuần, không lâu sau lên xe 25 chỗ rồi 35 chỗ. Đến năm thứ 3 thì chính thức sử dụng xe 60 chỗ ngồi cho đến nay. Bà Bán Phở mỗi lần qua Mỹ đều chọn xe đò Hoàng để đi về miền Nam thăm bạn bè, anh chị, cũng như công tác. Dưới đây là chia sẻ về chuyến đi tháng 12/2017 này. Phong cảnh hai bên đường thì rất đẹp!

Trên xe đò Hoàng chủ yếu là người Việt. Các bạn có nhìn thấy Bà Bán Phở không? Hi.

* Click vào đây để xem trên kênh Youtube Bà Bán Phở: Đi xe đò "Hoàng: ở Mỹ

Nội quy khi đi xe đò Mỹ

Vừa lên chiếc xe đò Hoàng, điều tôi nhận ra ngay là tất cả cửa kiếng bên hông xe đều mở được và có thể là cửa thoát hiểm khi cần thiết. Chợt nghĩ về một vụ tai nạn xe đò ở VN mà tôi có đọc trên báo và vẫn còn ám ảnh. Một cô gái đã bị chết cháy trong xe vì không thoát ra qua cửa sổ xe được. Chuyện căn bản vầy mà sao không được nhà chức trách VN quy định áp dụng cho các xe dịch vụ chở khách nhỉ. Có lẽ vì đa số dân mình cứ tự động mở cửa kính để hóng gió, máy lạnh chịu không nổi nên nhà xe gắn kính "chết" luôn chăng? Haizzzz 

Ở Mỹ, đi xe đò mà như đi máy bay. Khi xe chuẩn bị lăn bánh trên màn hình chiếu clip ghi đầy đủ thông tin quy định đi xe với người mẫu Mỹ minh hoạ. Tôi nhớ có đoạn lưu ý khi đi xe “không được nói chuyện với tài xế”.

Trên xe đò Hoàng các hình ảnh thì rất ư là thuần Việt. Bà Bán Phở cứ nghĩ như mình đang ở Việt Nam, không tin đang ngồi trên xe đò ở đất Mỹ luôn. Thấy một chị ngồi trên xe tranh thủ móc từng mũi len đan chiếc khăn quàng cổ, bên kia các bác lớn tuổi nói chuyện rôm rả đủ đề tài. Lại có một đang bác càm ràm chửi người ngồi trước vì người này ngã ghế ra phía sau... Hi. 

Bản sắc Việt - lợi thế cạnh tranh!

Thời điểm cuối năm 2017 này, ở Mỹ chỉ còn duy nhất một hãng xe đò của chủ người Việt. Đó là hãng xe Hoàng. Thực ra thỉnh thoảng cũng có một hãng xe đò mới ra, khuyến mãi quảng cáo rất bạo. Nhưng chừng vài tháng thì hãng xe mới phá sản. Trong 4 năm qua, tôi đã chứng kiến hai hãng xe "ra đi".

Đã quen chỗ cũ và giờ xe chạy, nên người nhà chỉ việc chở tôi ra xe đò Hoàng là xong. Trong website xe đò Hoàng ghi vầy: “Hãng xe duy nhất của người Việt Nam có giấy phép hợp pháp tại Cali”.

Ở Mỹ thì có không ít hãng xe đò nổi tiếng, như Greyhouse chẳng hạn. Trước khi có xe đò Hoàng người Mỹ gốc Việt vẫn dùng 1 trong 3 cách sau để đi lại giữa Nam và Bắc Cali: máy bay, tự lái xe, hoặc xe đò Greyhouse, Megabus, Amtrak...vv.

Nhưng đi xe đò của người Mỹ thì dĩ nhiên phải nói tiếng Mỹ. Đây là trở ngại lớn vì đa số người Việt tại Mỹ lớn tuổi ngại thủ tục phức tạp đi máy bay và cản trở ngôn ngữ. Chưa kể đi xe đò Hoàng còn được gặp người Việt với nhau, được hỏi thăm nhau bằng chính ngôn ngữ quê hương, đối với người xa xứ điều này rất giá trị. Thế là xe đò Hoàng có lợi thế tuyệt đối. Hi.

Kế nữa là xe đò của Mỹ không phục vụ ăn uống gu Việt như xe đò Hoàng. Dù “phục vụ ăn uống” chỉ là ổ bánh mỳ hay dĩa xôi. Nhưng rất tâm lý là có cả chay và mặn để khách lựa chọn. Tôi luôn chọn xôi hoặc bánh mì chay. Vì có lần chọn bánh mỳ thấy các loại chả và thịt nguội phẩm màu nhiều quá. Dù biết rằng thực phẩm bên Mỹ vệ sinh, được quản lý chặt chẽ. Nhưng với Bà Bán Phở, không có phẩm màu vẫn tốt nhất. Nếu có màu thì phải màu rất đẹp mà hoàn toàn từ rau củ quả tươi như bánh phở Hai Thiền. hihi...

Điều quan trọng nữa đó chính là thời gian chạy xe. Trong khi các xe đò Mỹ chạy đến 10 tiếng mới tới thì xe đò Hoàng chỉ 6-7 tiếng. Do các xe đò Mỹ dừng trạm rất nhiều để đón khách. Còn xe đò Hoàng chạy thẳng một lèo theo Freeway 5 đến khu dân cư đông người Việt và người Hoa. Các trạm xe rất tiện để người nhà đưa và đón. Phần lớn trạm dừng đón trả khách là các chợ người Việt hoặc Châu Á. Vậy nên trong lúc chờ người nhà đến đón, thì tha hồ ... ăn vặt hoặc tranh thủ đi chợ mua những thứ cần thiết.



Cô bán hàng người Việt bán hàng cho khách Việt. Nhãn này trồng tại Mỹ, dày cơm như vải mà hạt tiêu! Phía sau là xe đò Hoàng 60 chỗ ngồi

Xe đò Hoàng thành công nhờ đâu?

Ngoài những ưu điểm nêu trên, thì còn điều gì khác nữa khiến xe đò Hoàng thành công?

Đó là giá vé không tăng, chỉ giảm: Giá vé 20 năm nay từ lúc thành lập hãng xe đến giờ không thay đổi: vẫn 40 usd. Có khi giảm còn 20-30 usd trong lúc cạnh tranh hoặc khuyến mãi. Cho dù ngày Lễ, Tết lượng khách tăng đột biến thì giá vẫn giữ. Bình thường mỗi ngày 2-3 chuyến từ San Jose đi chợ ABC, dịp Lễ Tết hơn 10 chuyến.

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa: Những mặt hàng hơi "nhạy cảm" và rất khó để gửi dạng bưu điện thì xe đò Hoàng giải quyết rất nhanh. Thực phẩm và cây xanh chẳng hạn. Người Việt mình có văn hóa duy tình nên hay quan tâm và gửi quà hoa quả cho nhau. Những lúc ở miền Nam vô mùa trái cây chín như nhãn, ổi, xoài, thanh long - thì bà con gửi lên miền Bắc Cali cho bạn bè người thân ăn lấy thảo. Còn những món mà nhờ miền Bắc Cali lạnh hơn mới có như Cua, Ốc vòi voi,... thì được gửi ngược lại. Vui lắm!

Bà Bán Phở nghĩ chủ hãng xe đò Hoàng là người gốc Việt, nên hiểu khách Việt hơn bất cứ người Mỹ nào! Hiểu người Việt với văn hóa duy tình, nỗi niềm thương nhớ quê hương: từ món ăn, vườn cây trong nhà đến tiếng Việt yêu thương. Có thể nói, xe đò Hoàng đã góp phần rất lớn gắn kết và duy trì tình cảm của người Việt với nhau trên đất Mỹ. Đặc biệt là tình cảm của những bậc Cha Mẹ với Con Cháu. Thế hệ sau lớn lên hoặc được sinh ra ở Mỹ ảnh hưởng rất lớn văn hóa Mỹ, thì những chuyến xe đò Hoàng đã giúp đưa phụ huynh lớn tuổi dễ dàng đi thăm con cháu cho thỏa lòng nhớ mong.

...........

Tản mạn thêm: 

Vui buồn người Việt

Xe đò Hoàng cũng mang lại kha khá việc làm ổn định cho các bác Tài, các anh phụ bốc xếp người Mễ và cả thu nhập cho một vài người bán dạo ít sản phẩm thuần Việt cho khách đi xe đò. Như trong chuyến này, tôi mua ủng hộ cô bán nhãn. Cuối mùa rồi nên khá đắt, 5 usd/lb. Tính ra hơn 12 usd/kg, tương đương gần 300k/kg nhãn. Tôi mua 5 lbs. Cô ấy tự hòa khoe là đồng hương Phú Yên với ông bà Chủ xe. Nhưng cô ấy ngại lên hình vì.... không muốn cháu mình bên Việt Nam thấy cô buôn bán khổ cực. 

Tôi đã quá quen với các câu nói của Việt kiều như thế. Không hiểu vì lý do gì mà người bên Việt Nam hay nghĩ theo kiểu mặc nhiên là bên Mỹ sướng theo cái kiểu ăn ở không vẫn có tiền xài. Bản thân tôi thì lại thấy cô ấy may mắn có thêm nguồn thu nhập mà không cần bằng cấp ở Mỹ. Được bán món Việt, nói tiếng Việt, gặp gỡ người Việt.
.........

Chủ hãng xe đò Hoàng từng bị ám sát

Năm 2001 là bước ngoặt đánh dấu thành công của hãng xe đò Hoàng khi chính thức phục vụ hành khách với xe 60 chỗ ngồi. 

Khoảng năm 2004-2005 thì liên tục ông chủ Hoàng Linh nhận điện thoại đe dọa và bắt phải dẹp hãng xe (!?). Nhiều tài xế, bốc xếp của hãng bị đánh trọng thương. Thậm chí bị đốt cả 3 chiếc xe 60 chỗ ngồi phục vụ khách. 

8g sáng ngày 23/7/2005, ông Hoàng Linh vừa từ trong tư gia bước vào xe để đi làm. Ngay lúc đó có một người đàn ông đi bộ tiến lại gần. Ông Linh quay lại nhìn thì thấy một ... họng súng. Phản xạ đầu tiên là ông dùng hai tay ôm đầu, cúi xuống. Hai phát súng nổ trúng vào tay và cổ ông Linh. Hung thủ tiếp tục bắn 4 phát đạn rồi mới vứt súng tại hiện trường và bỏ trốn. 

Mãi một năm sau, cảnh sát thành phố Fountain Valley mới tìm ra hung thủ. Theo kết quả điều tra, đây là một vụ do công ty xe đò đối thủ thuê người ám sát ông Linh. Tuy cảnh sát không tiết lộ tên hãng xe đò phạm tội. Nhưng có lẽ ai cũng đoán chắc chắn không phải là các hãng xe đò của Mỹ!

Năm 2009, tòa xử và kết án kẻ sát thủ trực tiếp là Richard Bernard Collins 30 năm tù giam. Cũng may là ông Hoàng Linh bị thương rất nặng nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng. Trả lời với báo chí về vụ ám sát mình, ông Hoàng Linh chỉ nói như nhắn gửi với ai đó: “Tôi chỉ muốn được sống bình yên làm ăn nuôi vợ con. Nếu vì lý do nào đó mà có những khiếm khuyết với các anh em, xin hãy đối thoại trực tiếp với Linh để rồi mỗi người làm một nghề lương thiện, tránh đi chuyện xào xáo làm đau lòng mọi người”. 

......

Cali - giấc mơ Mỹ


Nếu ai đã và đang thực hiện được “Giấc Mơ Mỹ” mà vẫn chưa “Mỹ hóa” hết và vẫn còn thèm món ăn Việt, thèm được nói và nghe tiếng Việt thì tiểu bang Cali quả là thiên đường. Về kinh tế thì Cali là bang đóng góp số 1 về kinh tế cho Mỹ. Về thời tiết thì Cali là bang đang sống nhất vì thời tiết ôn hòa, không quá nóng hay quá lạnh. Không biết có phải vì lý do thời tiết mà Cali là bang tập trung người Mỹ gốc Việt đông nhất. Chiếm đến ….% 

Về việc làm, Cali là bang dễ có được việc làm nhất nhờ rất nhiều hãng xưởng. Chưa kể là người Việt mới qua định cư chưa có bằng cấp bên Mỹ và ngôn ngữ chưa hòa nhập thì cũng có nhiều việc làm từ các nhà hàng như Phở, cơm tấm, bánh mì,… do người Việt làm chủ tuyển dụng; vì đa số khách là người Việt. 

Người Mỹ gốc Việt tập trung chủ yếu ở hai thành phố: quận Cam (Organ County) ở phía Nam Cali và San Jose ở phía Bắc Cali. 

..........


Một số hình ảnh về xe đò Hoàng ở Mỹ


Bà Bán Phở trong tấm hình chộp trước khi lên xe!


Một cảnh ấn tượng trên đường



Mua trái cây ở trạm dừng


Khách đi hầu như toàn người Việt


Những chú chim mồi quen thuộc ở chợ ABC, nơi có trạm của xe đò Hoàng


Xôi và nước uống được nhà xe phục vụ miễn phí nè!


Một trang trại bò lớn trên đường


Hàng hoá lên xe rất là đa dạng, cứ như ở Việt Nam

..........

* Suy nghĩ về nước Mỹ





1 nhận xét: