Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Khám phá Khau Phạ - Mù Căng Chải trong chuyến đi hai đêm một ngày

Ký của Bà Bán Phở Thanh Nguyên

Mù Căng Chải là một huyện miền núi thuộc tỉnh Yên Bái, vùng Tây Bắc VN. Nơi đây không chỉ có những thửa ruộng bậc thang đẹp kỳ vỹ, mà hình như còn có cả thuốc ... si tình níu chân du khách, bởi sự chân chất và cởi mở của đồng bào người dân tộc H’Mong và người Thái. Lại thêm các món ăn từ truyền thống đến hiện đại. Tháng 9/2017 này Bà Bán Phở vừa có chuyến trải nghiệm thú vị và đáng nhớ hai đêm một ngày khám phá Mù Căng Chải. 

Bà Bán Phở Thanh Nguyên trong trang phục ... H'Mong!




Đi Mù Căng Chải vào thời điểm nào là lý tưởng nhất?

Tuần cuối tháng 9. Đó là thời điểm lúa chín vàng nhiều nhất, nhưng cũng vẫn còn lúa xanh, điểm thêm vài thửa ruộng đã gặt. Thế là thành những thảm ruộng bậc thang 3 màu khoe sắc lung linh. Thời điểm này ở Mù Căng Chải còn có Lễ hội Dù Lượn nữa.

Được biết mỗi năm lễ hội "Bay Trên Mùa Vàng" tổ chức vào 3 ngày cuối tuần. Để biết lịch cụ thể, bạn có thể liên hệ CLB Dù Lượn Vietwings ở Hà Nội. Thật tiếc cho Bà Bán Phở, chỉ vì đi sớm một tuần, nên không có cơ hội được làm phi công! 

Đầu tháng 9, ruộng bậc thang mới chớm hai màu xanh và vàng. Mà vẫn đẹp hút hồn và yêu luôn như tiếng sét ái tình vậy! Nhưng bù lại, lúc này lại là rộ cao điểm nhất của mùa Cốm. Nhà nhà làm cốm. Thích lắm luôn!


Ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải

Phương tiện đi lại khám phá Mù Căng Chải

Từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), tôi chọn nhà xe Thảo Nguyên – số điện thoại: 0972226565 - 0978991992. Xe khởi hành lúc 10g sáng đi Mù Cang Chải. Đến chợ Tú Lệ khoảng 4g chiều. Nhà xe Thảo Nguyên xe giường nằm khá mới và sạch sẽ. Bác tài lái xe cẩn thận và an toàn. 

Tôi lựa chọn nhà xe này vì đã đặt phòng ở nhà hàng Cá Hồi trên đèo Khau Phạ. Nhà hàng này có khoảng 20 phòng nghỉ, là nơi dừng chân quen thuộc của Vietwings. Mọi thứ ở đây khá tốt. Nhưng để cảm nhận và tìm hiểu thêm về văn hóa người H’Mong và người Thái, tôi khuyên các bạn đi theo lịch trình tôi ghi bên dưới. Có thêm lựa chọn là tuyến xe đi Tú Lệ cũng được. Nếu các bạn đi từ SaPa về Mù Cang Chải thì liên hệ nhà xe Lào Cai – Nghĩa Lộ: 0946514511. Xe khởi hành lúc 8g30 sáng ở bến xe mới SaPa. Đến chợ Tú Lệ khoảng 3g chiều.

Tại Mù Chăng Chải, phương tiện đi lại để khám phá địa phương lý tưởng nhất chính là xe máy. Giá thuê xe khoảng 120-150/ngày. 

Phong cảnh Mù Căng Chải thật tuyệt vời, khó quên. Đừng quên thăm Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Tây Bắc. Chạy xe trên những cung đường uốn lượn bên thung lũng ruộng bậc thang kỳ vỹ, đảm bảo các bạn sẽ cảm thấy lâng lâng sung sướng vì cảnh đẹp mê hồn. Cảm giác lo sợ leo đèo tan biến tự lúc nào không hay.

Khám phá Mù Cang Chải thường cần hai đêm một ngày là vừa đủ. Bạn phải tranh thủ dậy sớm, để tranh thủ ngắm trọn vẹn cảnh đẹp trên cung đường đèo hơn 30km. Còn hai đêm thì tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc nơi đây và thưởng thức món ăn địa phương. 

Ở đâu, ăn gì ở Mù Căng Chải? 



Chị chủ nhà người HMong đang nấu ăn phục vụ khách du lịch

Đêm thứ nhất bạn nên chọn ở Lìm Mông. Nơi đây gần hơn được 4km, để sáng sớm thức dậy bắt đầu hành trình khám phá Mù Căng Chải. Ở đây có nhiều Homestay nhà của người H’Mong. Chi phí ở khoảng dưới 100k mỗi người/đêm. Các bạn nhớ order nấu các món gà đen, lợn cắp nách và đặc biệt là rau rừng. Các bạn có thể order chủ nhà nấu đơn giản mì gói với thịt cắp nách. Hoặc nếu đi nhóm thì bày ra bữa tối thịnh soạn với gà đen, lợn cắp nách nướng và đặc biệt là rau tươi quanh vườn (gọi là rau rừng). Nếu đến Lìm Mông lúc khoảng 5g chiều, bạn sẽ thấy trẻ em nô đùa tắm suối. Và cũng những con suối này, người lớn thì đi làm về ngang ghé rửa tay chân. Rồi đôi khi tắm cả …xe máy nữa!


No cành hông với cá hồi 3 món!

Nếu muốn tập trung khám phá Đồi mâm Xôi và bản Chế Cu Nha, bạn nên chọn ở ngay Điểm Bay Dù Lượn trên đỉnh đèo. Gần hơn Mâm Xôi được 10km so với ở Lìm Mông. Số ĐT nhà hàng nhà nghỉ ĐBDL: 0915023071. Ở đây có món xôi siêu ngon dẻo từ hạt gạo Han. View nhìn từ đây gần như toàn bộ thung lũng ruộng bậc thang bên cạnh đèo Khau Phạ. 

Nếu ở Tú Lệ thì bạn nên chọn ở nhà của người dân tộc Thái. Ở đây các bạn sẽ có cơ hội được xem làm cốm Tú Lệ từ A đến Z. Thật thú vị khi cùng vào bếp nấu món xôi ngũ sắc, món đặc sản của người Thái. Người Thái ăn xôi thay cơm mỗi ngày các bạn nhé. Nếu thèm cơm thì bạn phải yêu cầu gia chủ. Tôi khuyên là các bạn nên chọn ở đây vào đêm thứ hai. Như vậy sẽ tiện lợi hơn để đón xe về Hà Nội hoặc đi Sapa vào sáng hôm sau hơn. 

........

Lịch trình khám phá đèo Khau Phạ - Mù Căng Chải

Từ Hà Nội, nhà xe Thảo Nguyên đến chợ Tú Lệ khoảng 4g chiều. Tranh thủ thuê ngay chiếc xe gắn máy để kịp chạy dọc con đường làm cốm Tú Lệ. Hai bên con đường nhà nhà làm cốm: giã cốm, rang cốm, sàng cốm và bán cốm. Cốm Tú Lệ siêu ngon. Hơn hẳn cốm ở hà Nội. Màu xanh tươi rực rỡ còn nguyên vẹn. Dẻo thiệt dẻo. Vị cốm ngọt. Lại thêm beo béo nữa. Thật ngạc nhiên!

Xem và tám chuyện với bà con làm cốm đã đời xong, thì chạy xe về bản Lìm Mông, hướng lên đèo Khau Phạ khoảng 4km.


Đèo Khau Phạ

Thực ra chọn ở Lìm Mông điều đặc biệt nhất là sáng sớm tinh mơ thức dậy được hòa mình vào những ruộng bậc thang. Được hít mùi lúa chín ngào ngạt khắp trên cánh đồng. Được thắc mắc sao mới sang sớm mà bà con đã đi gặt lúa. Mà lạ kỳ lắm! Gặt lúa mà chỉ cắt phần ngọn thôi! Lúa chưa chín vàng nữa chứ! Thì ra là bà con đi cắt lúa sớm về làm cốm!

Nhưng đừng vội ăn sáng ở đây, hãy để dành bụng để thưởng thức đặc sản Mù Cang Chải một nơi đẹp như bồng lai tiên cảnh!

Tranh thủ leo đèo Khau Phạ trước 8g sáng. Khau Phạ là một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng vùng Tây Bắc. Nhưng đường không có những khúc cua cùi chỏ nguy hiểm như đèo Hải Vân. Lại thêm ít xe lưu thông. Trong mắt Bà Bán Phở, đèo Khau Phạ chỉ là những khúc quanh co uốn lượn mềm mại bên thung lũng ruộng bậc thang. Đẹp quá đi thôi. Nguy hiểm duy nhất đó chính là các anh bạn trâu, bò, dê tham gia giao thông!

Suốt 10km đến Điểm Bay Dù Lượn có khoảng 3 chiếu nghỉ để du khách dừng chân và chụp hình. Nhưng lo không đủ thời gian nên chúng tôi thẳng tiến. Thật may mắn là những đám mây đã ghé thăm chúng tôi. Ngồi vừa ăn xôi đặc sản vừa ngắm thung lũng ruộng bậc thang lúc ẩn lúc hiện bởi các đám mây. Bồng lai tiên cảnh là đây chứ đâu nữa nè!

Nhà hàng ĐBDL có phục vụ món xôi cả ngày. Xôi ở đây rất đặc biệt. Dẻo quẹo. Thơm ngọt nguyên vị hạt gạo. Đặc biệt là beo béo nữa. Vị béo không phải từ miếng thịt heo mọi nướng khói. Anh chủ quán cho chúng tôi biết đó chính là nhờ xôi nấu từ hạt gạo Han. Là hạt gạo được chế biến như sau: lúa vừa chín đến (chín hơn lúa làm cốm) gặt về mang đi luộc lên. Xong mang đi phơi khô. Rồi mới xát hoặc giã bỏ vỏ. Nhưng phải xát dối thôi để giữ lại cùi gạo. Vất vả và kỳ công hơn nhiều so với những hạt nếp thông thường. Bù lại thì xôi dẻo hơn, thơm hơn và có được vị beo béo đặc biệt. Giá khá yêu thương. Mâm xôi cho hai người ăn là 70k.

Ngay đối diện quán ăn này là vườn hoa tam giác mạch ngay trên đồi cao. Vé tham quan là 20k. Trang phục H’Mong cho thuê là 50k. Các cô bán hàng và dịch vụ ở đây rất thật thà. Nói và hiểu tiếng Việt hơi chậm xíu.

Đã 10g sáng. Dù quyến luyến cảnh đẹp nơi bồng lai tiên cảnh. Nhưng chúng tôi phải chia tay Điểm Bay Dù Lượn. Bởi thiên hạ đã phán chưa đi Mâm Xôi thì coi như chưa đi Mù Cang Chải!

Mâm xôi cách Điểm Bay Dù Lượn khoảng 22km. Định bụng thẳng tiến. Nhưng những căn nhà treo đầy ắp bắp ngô của người H’Mong đã níu chân chúng tôi. Tò mò quá thôi. Tôi liều xin phép ghé thăm một căn nhà của một cặp vợ chồng trẻ. Thật bất ngờ là bà con người H’Mong rất thân thiện và cởi mở. Được cho tham quan căn nhà, được chỉ dẫn cách dệt vải..., Bà Bán Phở còn được chàng trai trẻ thổi thổi sáo chào đón nữa. Ah, thì ra chàng trai ấy làm sáo để bán. Nếu có dịp ghé thăm, chúng ta nhớ mua vài ống sáo ủng hộ gia chủ nhé!

Từ nhà của vợ chồng trẻ H’Mông chạy lên Mâm Xôi khoảng 20km. Bên phải với những quả đồi và những ngôi nhà nằm cao chót vót của người H'Mong. Bên trái là những thung lũng ruộng bậc thang uốn lượn cùng con suối. Chưa kể là những hình ảnh thu hoạch lúa hết sức đơn sơ như cách đây 30 năm. Thế là cứ cuốn chúng tôi chạy lố qua luôn điểm dịch vụ xe ôm lên Đồi mâm Xôi khoảng hơn 2km. Điểm dừng này là những quả đồi ruộng bậc thang. Những quả đồi xanh ngay trong thung lũng. Khung cảnh nơi này cũng chính là view nhìn tuyệt vời của resort Mù Cang Chải đang xây dựng.

Vội vàng ngắm cảnh bằng flycam rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Chạy khoảng 2km nữa thì những quả đồi trong thung lũng xen lẫn dòng suối đã buộc chúng tôi dừng chân. Lần này thì sực nhớ ra phải chộp vài tấm hình kỷ niệm. Cảnh đẹp quá. Mải ngắm cảnh mà quên chụp hình làm chứng đã đến nơi này!

Trời mưa lất phất. Lo ngại lên đồi Mâm Xôi không kịp nên quyết định không thẳng tiến nữa. Thật là tiếc. Vì sau này khi ngồi xe đò đi SaPa. Tôi mới biết chỉ cần chạy tiếp lên khoảng 4km nữa. Qua luôn trường Chế Cu Nha khoảng thì bên trái là Quả Đồi và dòng thác thật cao đổ xuống ruộng bậc thang. Nếu chạy đến điểm này thì coi như chúng ta đã khám phá khá trọn vẹn cung đường đèo Khau Phạ - Mù Căng Chải.

Đường lên đồi Mâm Xôi khá quanh co. Sỏi đá. Dốc đứng. Còn khuyến mãi thêm những khúc lầy lội. Chưa kể phần lớn là sát bên vực sâu thẳm. Sợ khiếp. Nói thật là có lúc tôi …ân hận và muốn xuống xe. Nhưng, trời ơi nhìn kìa! Có 3 xe đối diện với bánh xe không hề quấn dây xích. Cưỡi 3 con ngựa sắt đó chính lại là những anh Tây đẹp trai mà …lỳ!

Mâm Xôi đã xuất hiện! Đẹp thật! Những quả đồi mọc lên trong thung lũng. Những bậc thang ruộng xung quanh Mâm Xôi uốn lượn mềm mại nối với nhau. Kiệt tác của tạo hóa hay con người? Theo tôi thì tạo hóa hơi khắc nghiệt. Ban tặng cho Mù Cang Chải toàn núi và núi. Thế mà người H’Mong chỉ với sức người và đôi tay trần đã tạo nên kiệt tác thế này!

Bà con nơi đây cũng biết phục vụ du khách bằng cách trồng thêm hoa Tam Giác Mạch. Bà Bán Phở xin tạm gọi là Mâm Hoa. Các bạn hãy bước xuống đây chụp vài tấm hình cùng Mâm Xôi và Mâm Hoa nhé! Có thu phí dịch vụ, nhưng đâu đáng gì với công sức của người dân H’Mong!

Nhìn cận cảnh những bậc thang lúa. Nhìn cảnh bà con thu hoạch mà chạnh lòng buồn các bạn ạ. Với địa hình ruộng bậc thang thế này thì không thể cơ giới hóa thay sức người được. Tất tần tật được vận chuyển bằng sức người. Kể cả thùng đập lúa cũng được ... đeo trên lưng của người phụ nữ được. Hình ảnh đó đã trả lời thắc mắc sao không dùng máy tuốt lúa mà cứ đập bằng tay như vậy! Thương người H'Mong quá. Thương người dân vùng ruộng bậc thang quá. Vậy mà xưa nay tôi cứ mơ tưởng về vẻ đẹp mê hồn của thửa ruộng. Thấy mình vô tâm ghia!

Tạm biệt đồi Mâm Xôi. Sáng nay ăn xôi nên no lâu. Còn đủ sức chạy thêm 25km về nhà hàng Khau Phạ để thưởng thức món cá hồi. Chạy về từ mâm Xôi thì qua Điểm bay Dù Lượn khoảng 4 cây số. Ở đây nuôi cá hồi, khi bạn oder họ mới ra bắt cá vào chế biến. Có thể nói ăn cá hồi ở nhà hàng Khau Phạ là tươi rói nhứt thế giới luôn!

Nhà hàng Khau phạ cũng có dịch vụ cho thuê xe máy và nhà nghỉ. Nhưng nếu muốn tìm hiểu văn hóa địa phương chúng ta nên ở lại Tú Lệ. Chúng tôi quyết định đêm thứ hai ở nhà người Thái ở Tú Lệ. Đây là nhà cô gái Thái mà Bà Bán Phở tình cờ quen biết trên chuyến xe về Mù Cang Chải. Được cùng chính người Thái nấu xôi màu sắc. Được tham gia nấu cơm tối cùng gia đình. Tiếc là do mê coi làm cốm mà đến nhà trễ quá. Nên không mua được gà đen đặc sản mà chỉ là gà ta thường. Nhưng vẫn được thưởng thức thịt gác bếp, heo đen nướng, măng lấy tận trong rừng sâu và được uống rượu táo mèo cùng loại trà ngâm thảo dược.

Sáng sớm tinh mơ. Khi gà còn chưa lên tiếng gáy. Thì bà con đã dậy ra đồng với bụng trống rỗng. May là có xôi chúng tôi đặt hàng nấu nên cả nhà vừa nán lại chút xíu vừa ăn vừa trò chuyện. Rất muốn theo bà con ra đồng cắt lúa. Nhưng tôi phải đành chia tay mọi người để tiếp tục hành trình du lịch khám phá của mình. Tạm biệt Mù Cang Chải. Hẹn gặp lại!

........

Một số hình ảnh Bà Bán Phở ghi lại được trong chuyến đi


Trẻ em H'Mong trên đường đi học


Trẻ H'Mong tắm suối


Bánh xe thế này lên đèo Mâm Xôi mới an toàn



Bà Bán Phở & bắp của người H'Mong


Mâm xôi ... Mù Căng Chải


Đường vào Lìm Mông


Một góc Lìm Mông


Món xôi ngon thần thánh giữa bồng lai tiên cảnh


Bà Bán Phở hoá thân người H'Mong!


Đập lúa


Bà Bán Phở giao lưu với trẻ em Mù Căng Chải


Trạm dừng chân ngắm cảnh


Ngã ba Lìm Mông


Nhà một đôi vợ chồng trẻ người H'Mong
............



4 nhận xét:

  1. Tôi yêu non nước Việt Nam
    Yêu vùng đất hữu tình Tây Bắc.
    Nắng sớm vàng trên những ruộng bậc thang.
    Tiếng khèn lên rộn ràng trong bản.
    Cô gái H'Mông mang gùi đi rẫy.
    Chợt cái nhìn , e thẹn nét xuân son.

    Trả lờiXóa
  2. Đẹp quá nàng ơi, thank for sharing, love your Blog

    Trả lờiXóa